Câu hỏi
Tôi năm nay 40 tuổi, vợ tôi 35 tuổi. Chúng tôi có hai người con, một trai một gái. Thời gian gần đây, vợ tôi nhất định đòi ly hôn vì nói không còn tình cảm và tôi không đỡ đần được gì cho cô ấy về kinh tế. Thực sự mấy năm nay công việc của tôi gặp nhiều khó khăn nên tiền làm ra chỉ đủ để trả bớt số nợ, không dư dả để lo cho gia đình, con cái. Vợ tôi đòi nuôi cả hai đứa vì cô ấy có kinh tế khá vững và ổn định. Tuy nhiên dù sao tôi cũng mong muốn nuôi đứa con trai vì ông bà không muốn mất cháu đích tôn. Vậy cho tôi hỏi liệu tôi có thể giành được quyền nuôi con trai mình hay không?

Trả lời
Chúng tôi rất vui khi được bạn tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn, Luật sư của Hãng luật TGS chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”
Như vậy, quyền nuôi con trước tiên dựa theo thỏa thuận, ý chí của các bên. Nếu vợ chồng không thống nhất được thì Tòa sẽ xem xét các yếu tố, điều kiện xem bên nào có khả năng đáp ứng được tốt nhất cho sự phát triển bình thường của đứa trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần. Các yếu tố được xem xét gồm: tư cách đạo đức, lối sống, thời gian chăm sóc con; lứa tuổi, giới tính của con, việc làm, thu nhập, chỗ ở của cha, mẹ sau ly hôn…. Theo đó, thu nhập cũng là một yếu tố để quyết định việc giành quyền nuôi con nhưng không phải là tất cả, bởi Tòa phải xem xét, cân nhắc mọi khía cạnh để đảm bảo đâu là lựa chọn tốt nhất cho đứa con.
Hơn nữa, pháp luật hôn nhân và gia đình cũng mở rộng quyền của cha mẹ để yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 84 như sau:
“2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”
Như vậy, trường hợp của anh nếu thu nhập thấp hơn vợ nhưng muốn giành quyền nuôi con thì chỉ có thể thực hiện theo hai cách như sau:
- Trực tiếp thỏa thuận với vợ về mong muốn được nuôi con và được vợ anh đồng ý.
- Chứng minh được cho Tòa án thấy rằng thu nhập của anh tuy thấp hơn nhưng có hướng cải thiện khả thi trong tương lai và đủ để nuôi con. Hơn nữa, có thể đưa thêm các yếu tố chứng minh rằng vì bận kiếm tiền mà vợ anh không có đủ thời gian để chăm sóc con, có lối sống không lành mạnh…
Trên đây là tư vấn của Luật sư, nếu còn bất kì thắc mắc nào, xin vui lòng liên hệ số hotline 1900 8698 của Công ty để được giải đáp.
Trân trọng!