Theo định nghĩa trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Hai người được coi là đã ly hôn chỉ khi Tòa án ra quyết định chính thức, do đó, để việc ly hôn hoàn thành thì hai bên phải tham gia các buổi hòa giải, phiên tòa. Vậy khi ly hônthì phải ra tòa mấy lần? Bài viết dưới đây Công ty Luật TNHH TGS chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này giúp các bạn.
Có hai hình thức khi ly hôn bao gồm thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn:
Thứ nhất, đối với hình thức thuận tình ly hôn:
Thuận tình ly hôn là trường hợp ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề quan hệ vợ chồng, quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản (hoặc đồng ý tách riêng yêu cầu chia tài sản vợ chồng thành một vụ án khác sau khi đã ly hôn). Tòa án sẽ thực hiện theo thủ tục ly hôn thuận tình. Tòa án ra quyết định công nhận đồng thuận ly hôn.
Khi giải quyết ly hôn thuận tình, việc hòa giải ở cơ sở được khuyến khích thực hiện. Cụ thể, Điều 52, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Như vậy với quy định trên, thì việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc và việc có áp dụng thủ tục này không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai vợ chồng nhằm giúp các bên tự giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và
tranh chấp nhỏ; giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp trong nhân dân. Cơ sở ở đây được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, cụm dân cư khác như xã, phường, thị trấn.
Ngược lại, việc hòa giải tại Tòa án là thủ tục mà các bên phải tham gia theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Theo đó, Tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ. Nếu không thành thì Tòa án sẽ ra quyết định hòa giải không thành và lập biên bản về việc thuận tình ly hôn.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không thay đổi ý kiến, tự thỏa thuận được với nhau về vấn đề tài sản, con cái,...và Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn. Do đó, các bên chỉ phải tới Tòa án một lần để tham gia phiên hòa giải.
Thứ hai, đối với hình thức đơn phương ly hôn:
Ly hôn đơn phương được hiểu là chỉ có một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và bên kia không đồng ý về việc này. Cũng giống với thuận tình ly hôn, hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc và quan trọng trong quá trình ly hôn đơn phương nhằm mục đích hàn gắn quan hệ vợ chồng. Thông thường sẽ có tối đa là 3 lần hòa giải trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử, trừ một số trường hợp không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 207, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
- Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
- Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
- Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Ngoài việc phải tham gia các buổi hòa giải, trước đó các bên còn bị triệu tập đến tòa để lấy lời khai (không giới hạn số lần) và tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Riêng về phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, nếu thuận lợi thì chỉ cần phải tham gia phiên tòa 1 lần, nhưng nếu có một số nguyên nhân khách quan chẳng hạn như: sự vắng mặt của một bên, sự kiện bất khả kháng, có yêu cầu thay đổi thành phần Hội đồng xét xử,... thì phiên tòa có thể bị hoãn theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Do đó, đối với trường hợp đơn phương ly hôn thì số lần ra tòa của hai bên sẽ phụ thuộc vài từng tình huống cụ thể.