Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân gia đình 2014;
- Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
Ủy quyền là việc một người đại diện một người khác thực hiện một hoặc một số công việc trong phạm vi được ủy quyền. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào cũng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện mà bắt buộc chính cá nhân, tổ chức đó phải tự mình thực hiện.

Trong vấn đề ly hôn, cá nhân chỉ có thể ủy quyền cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để làm một số thủ tục khi ly hôn nhưng đương sự nhất thiết phải có mặt tại phiên tòa để giải quyết vụ việc ly hôn.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thì đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì họ là người đại diện.
Như vậy, đương sự không thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình trực tiếp tham gia tố tụng vì ly hôn là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác trừ trường hợp luật có quy định khác.
Nếu không muốn có mặt tại tòa để xét xử công khai thì đương sự có thể cùng làm đơn thuận tình ly hôn và hai người cùng ký tên vào. Hoặc vợ chồng có thể viết đơn yêu cầu giải quyết ly hôn vắng mặt gửi đến Tòa án để được xem xét giải quyết.
Ly hôn vắng mặt mất bao nhiêu thời gian:
Kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, tòa án phải tiến hành thụ lý vụ án;
Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sư kiện bất khả kháng,trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời gian xét xử nhưng không quá 02 tháng. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các bên, tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ vụ án, đưa vụ án ra xét xử… tùy từng vụ án cụ thể.
Trong thời gian 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử Tòa án phải mở phiên tòa hoặc kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trong thời hạn 5 ngày làm việc tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự.
Sau 15 ngày kể từ ngày xét xử trường hợp không có kháng cáo, kháng nghị bản án sẽ có hiệu lực thi hành. Những vụ án ly hôn vắng mặt thường có thời gian kéo dài hơn do nhiều nguyên nhân và trở ngại khách quan như việc nguyên đơn mất nhiều thời gian để xin được xác nhận nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn,bị đơn giấu địa chỉ…. Để có căn cứ khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.