Trong cuộc sống, khi hai người nam nữ muốn tiến tới hôn nhân sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật hôn nhân, trong đó có điều kiện người kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự hay dễ hiểu hơn là không bị các bệnh về tâm thần, thần kinh mà không làm chủ được hành vi của mình. Do đó, khi kết hôn thì người nam và nữ được hiểu phải là những người “bình thường”. Tuy nhiên, trong quá trình hôn nhân, có nhiều sự việc xảy ra có thể ngoài mong muốn làm cho một trong hai người bị tâm thần, mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Vậy trong trường hợp này, người vợ (chồng) của người bị mắc bệnh tâm thần có thể ly hôn được hay không?
>> Xem thêm: Thủ tục ly hôn đơn phương
Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, Công ty Luật TNHH TGS chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn cho các bạn trong bài viết dưới đây:
Trước hết, muốn ly hôn với người vợ/chồng bị bệnh tâm thần thì bên ly hôn phải chứng minh được người đó bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác liên quan đến thần kinh làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình.

Theo quy định tại Điều 22, BLDS 2015 thì:
“Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.
Do đó, người vợ/chồng của người mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Tòa án có quyền tiếp nhận và giải quyết yêu cầu là TAND cấp huyện.
Hồ sơ thủ tục người vợ/chồng cần chuẩn bị bao gồm:
- Đơn yêu cầu - theo mẫu quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người đứng tên yêu cầu là người có quyền yêu cầu;
- CMND, sổ hộ khẩu của người yêu cầu;
- Bản kết luận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và các chứng cứ khác để chứng minh người bị yêu cầu bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể hận thức, làm chủ hành vi của mình.
Trường hợp không có kết luận của cơ quan chuyên môn thì người yêu cầu có thể yêu cầu Toà án trưng cầu giám định.
Sau khi xem xét, Tòa sẽ mở phiên họp xét đơn và nếu đơn được chấp nhận thì Tòa ra quyết định tuyên bố người chồng/vợ đó bị mất năng lực hành vi dân sự.
Tiếp đó, khi đã xác định được người chồng/ vợ bị mất năng lực hành vi dân sự, về vấn đề ly hôn trên thực tế thường xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: người vợ/chồng yêu cầu ly hôn với người còn lại mất năng lực hành vi dân sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Theo đó điều luật không cấm hay hạn chế đối với trường hợp người vợ/chồng muốn ly hôn với người bị mắc các bệnh tâm thần. Tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về tố tụng trong trường hợp người bị kiện trong vụ án ly hôn là người bị mắc bệnh tâm thần. Do đó việc xác định tư cách đương sự cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ việc.
Khoản 4, Điều 69, BLTTDS 2015 quy định:
“Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”.
Do bị đơn là người mất năng lực hành vi dân sự nên người giám hộ đương nhiên chính là vợ/chồng của họ (Điều 53, BLDS 2015), đồng thời là người đại diện theo pháp luật (Điều 137, BLDS 2015). Tuy nhiên trong trường hợp này, một bên vợ/chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn (căn cứ theo Khoản 3, Điều 24, Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Nhưng hiện tại pháp luật chưa quy định cụ thể đối với việc người nào sẽ được Tòa án chỉ định là người đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn. Do đó chỉ có thể áp dung pháp luật tương tự về giám hộ, đại diện để vận dụng vào tình huống ly hôn.
Khoản 3, Điều 53, BLDS 2015 quy định:
“Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ”.
Xét từng trường hợp cụ thể:
- Vợ chồng ly hôn thì người còn lại không đủ điều kiện giám hộ, đại diện cho nhau nên loại trừ.
- Con của vợ chồng ly hôn cũng loại trừ vì trên thực tế Tòa sẽ không chỉ định bởi cả hai đều là cha là mẹ của mình, không thể chỉ đứng về một phía được.
- Vậy chỉ còn trường hợp là cha, mẹ của người mất năng lực hành vi dân sự có thể được Tòa chỉ định làm người đại diện.
Trường hợp thứ hai: người bị mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu ly hôn với người vợ/chồng của mình:
Đa phần trong trường hợp này bên khởi kiện tức phía người mất năng lực hành vi dân sự mà cha, mẹ là người đại diện thì khi ly hôn không phải với mục đích chấm dứt hôn nhân do không còn yêu thương nhau nữa mà việc giải quyết ly hôn là để giải quyết vấn đề tài sản chung giữa vợ chồng. Khi đã được xem là người mắc các bệnh về tâm thần thì họ không có khái niệm gì về hôn nhân nữa, cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào người khác. Do đó trong một số trường hợp, người bị tâm thần có thể trở thành gánh nặng cho vợ/chồng của họ nên nhiều khi bên còn lại không quan tâm, không có trách nhiệm gì hoặc đối xử không tốt với người chồng hoặc người vợ mất năng lực hành vi dân sự và có thể họ còn khai thác tài sản chung của vợ chồng cho những lợi ích riêng của riêng mình. Do đó mà pháp luật quy định:
“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
Khoản 2, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Ngoài chủ thể là cha, mẹ, người thân thích, Khoản 1, 5 Điều 187 BLTTDS còn có quy định:
“Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình”.
Dù trong trường hợp nào thì người mất năng lực hành vi dân sự cũng là người chịu nhiều thiệt thòi hơn nên thông thường trong các vụ ly hôn mà một bên là người bị mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án cũng không khuyến khích việc làm này
Tham khảo video tư vấn ly hôn với người bị tâm thầm