Quá trình phân chia tài sản của các cặp vợ chồng khi ly hôn chắc chắn ảnh hưởng tới việc sử dụng và khai thác tài sản của các chủ sở hữu. Chính vì vậy rất nhiều các cặp đôi trăn trở không biết việc chia tài sản này sẽ diễn ra trong bao lâu. Phải thú nhận rằng pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay không có quy định cụ thể nào về thời hạn chia tài sản vợ chồng khi ly hôn. Tuy nhiên chúng ta có thể suy đoán khoảng thời gian cho công việc này thông qua các quy định về thời hạn giải quyết của các thủ tục liên quan tới việc ly hôn.
Căn cứ Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tùy vào căn cứ ly hôn là đơn phương hay thuận tình mà thời hạn giải quyết vụ việc cũng sẽ thay đổi.

Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình
Theo đó nếu là ly hôn thuận tình khoảng thời gian đó là khoảng 02 – 03 tháng. Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thuận tình ly hôn là việc hai vợ chồng cùng tự nguyện yêu cầu ly hôn sau khi đã thỏa thuận được về việc chia tài sản và các các vấn đề về con cái. Thời gian để thuận tình ly hôn được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, cụ thể gồm các mốc thời gian sau đây:
Trong thời hạn 3 ngày sau khi hai vợ chồng nộp đơn yêu cầu xin thuận tình ly hôn và tài liệu chứng cứ kèm theo, Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn. Sau khi xem xét đơn, Tòa án có thể trả lại, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc thụ lý giải quyết đơn yêu cầu.
Khi thấy đơn yêu cầu đủ điều kiện để thụ lý thì Tòa án thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí. Sau khi nộp lệ phí thì người yêu cầu phải nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền. Quá trình này thực hiện trong 5 ngày.
Sau đó Tòa thông báo cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Việc này có thời gian là 3 ngày.
Trong 1 tháng tiếp theo Tòa án tiến hành xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành các việc như: Hòa giải, yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, định giá tài sản, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự…
Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời hạn chuẩn bị xét đơn nhưng không quá 01 tháng.
Cuối cùng, thời hạn Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Thời gian giải quyết ly hôn đơn phương
Trong trường hợp ly hôn đơn phương thì thời gian giải quyết có thể sẽ kéo dài hơn. Cụ thể, dựa trên các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quá trình giải quyết vụ án ly hôn đơn phương bao gồm các giai đoạn sau:
Bước 1: Người có yêu cầu gửi đơn xin ly hôn đơn phương đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời gian 03 ngày làm việc. Sau đó, trong thời gian 05 ngày kể từ ngày được phân công, Thẩm phán sẽ đưa ra một trong các quyết định: Sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Tiến hành thụ lý vụ án; Chuyển đơn cho đơn vị khác có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện; Trả lại đơn khởi kiện.
Bước 3: Nếu Tòa án thụ lý đơn, thì trong thời gian 04 tháng, Tòa án sẽ chuẩn bị xét xử để thu thập chứng cứ, xác định tư cách đương sự, hòa giải…
Trong thời gian này, người yêu cầu ly hôn sẽ được nhận thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, nộp tiền và gửi lại biên lai cho Tòa án và Tòa án sẽ ra một trong các quyết định: Công nhận thỏa thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết, đình chỉ giải quyết vụ án, đưa vụ án ra xét xử.
Đối với vụ án phức tạp hoặc do tính chất bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử không quá 02 tháng.
Bước 4: Kể từ ngày đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn 01 tháng, Tòa án phải mở phiên tòa. Nếu có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
Như vậy thời gian để giải quyết một vụ ly hôn đơn phương nhanh nhất khoảng 04 tháng hoặc có thể kéo dài hơn nhiều tùy tính chất, sự phức tạp của từng vụ cụ thể. Từ đây chúng ta có thể dự tính thời gian gần đúng của việc chia tài sản vợ chồng khi ly hôn.